Tuyến đường sắt 380km trị giá 11 tỷ USD, kết nối Việt Nam - Trung Quốc ấn định mốc thời gian đặc biệt

Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu sẽ khởi công tuyến đường sắt 11 tỷ USD từ Hà Nội đến biên giới Việt - Trung trong thời gian sớm nhất.

Dự kiến khởi công năm 2027

Bộ Giao thông Vận tải mới đây cho biết đang tập trung đẩy mạnh tiến độ triển khai dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, với mục tiêu trình Quốc hội xem xét và quyết định chủ trương đầu tư vào năm 2025 và phấn đấu khởi công vào năm 2027. 

Được biết, Bộ Giao thông Vận tải đã có quyết định giao Ban Quản lý dự án Đường sắt tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng.

Dự án hứa hẹn sẽ góp phần cải thiện hệ thống giao thông quốc gia, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, đặc biệt là thương mại xuyên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Tuyến đường sắt 380km trị giá 11 tỷ USD, kết nối Việt Nam - Trung Quốc ấn định mốc thời gian đặc biệt- Ảnh 1.

Ảnh minh họa nhà ga của tuyến đường sắt bằng AI ChatGPT

Trước đó, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 4 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 cho Bộ Giao thông Vận tải để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 864/QĐ-TTg về việc hỗ trợ 4 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 cho Bộ Giao thông vận tải để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng như đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về các nội dung báo cáo, đề xuất, bảo đảm đúng quy định.

Hồi tháng 2/2024, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 57/TB-VPCP thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ đề cập đến nội dung đầu tư một số tuyến đường sắt quốc gia. Trong đó, thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan khẩn trương làm việc với phía Trung Quốc để thống nhất biên bản ghi nhớ, phương án hỗ trợ, hợp tác đầu tư về đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Trước mắt cần tập trung đầu tư các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (phấn đấu khởi công trong năm 2025), nghiên cứu phương án sử dụng vốn vay ưu đãi nước ngoài (xác định rõ: lãi suất vay ưu đãi, giá trị vay và thời gian vay) và phương án phát hành trái phiếu để đầu tư.

Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dự kiến quy hoạch như thế nào?

Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia, tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có tổng chiều dài khoảng 380 km, được xây dựng với khổ đường 1.435 mm tiêu chuẩn. Dự án sẽ được chia thành hai giai đoạn, trong đó đoạn Hà Nội - Hải Phòng dự kiến hoàn thành trước năm 2030, còn đoạn Hà Nội - Lào Cai sẽ được triển khai sau năm 2030.

Tuyến đường sắt này không chỉ kết nối các tỉnh phía Bắc mà còn mở rộng liên kết với Trung Quốc thông qua cửa khẩu Hà Khẩu, Lào Cai. Dự án dự kiến đi qua 8 tỉnh, thành phố, gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng, với điểm cuối tại cảng Lạch Huyện – Hải Phòng, điểm kết nối quan trọng trong việc phát triển cảng biển và logistics quốc gia.

Tuyến đường sắt 380km trị giá 11 tỷ USD, kết nối Việt Nam - Trung Quốc ấn định mốc thời gian đặc biệt- Ảnh 2.

Tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ thúc đẩy giao thương hàng hóa với điểm cuối tại cảng Lạch Huyện. Ảnh minh họa bằng AI ChatGPT

Trên tuyến có 73 cây cầu lớn với tổng chiều dài hơn 130km, 25 hầm dài 25km, 38 nhà ga, trong đó xây mới 29 nhà ga. Dự kiến, tuyến đường sắt này sẽ khai thác vận tải hành khách và hàng hóa, tổng mức đầu tư khoảng 10 - 11 tỷ USD.

Dự báo năng lực vận tải trong dài hạn của tuyến là 10 triệu tấn hàng hóa/năm và khai thác 15 đôi tàu/ngày. Trên toàn tuyến có 41 ga, trong đó 5 ga lập tàu chính gồm: Lào Cai, Yên Thường, Nam Hải Phòng, Hạ Long và Cái Lân. Trên toàn tuyến có 27 ga nhường tránh tàu; 5 ga trung gian có tác nghiệp hành khách và hàng hóa.

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dự kiến mang lại nhiều lợi ích quan trọng về kinh tế, xã hội, và giao thông cho khu vực và cả nước, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là thương mại qua biên giới với Trung Quốc tại Lào Cai.

Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn